Lượt xem: 226

Nhà vườn Kế Sách chuẩn bị tốt cho niên vụ sầu riêng 2023 - 2024

Bằng rất nhiều nỗ lực từ cơ quan chuyên môn và bà con nông dân, trong niên vụ vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã xuất khẩu được lô hàng sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc với sản lượng là 16 tấn trái. Từ tín hiệu vui này, hiện nay nhiều nhà vườn tại huyện Kế Sách - vùng trồng sầu riêng tập trung lớn nhất của tỉnh, đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để có thể xuất khẩu sầu riêng với sản lượng lớn hơn ở niên vụ 2023 - 2024.

 


Nhà vườn Kế Sách nỗ lực chăm sóc tốt cho niên vụ sàu riêng 2023 - 2024

 

    Nếu như trước nay, sầu riêng tại xã Ba Trinh chủ yếu được trồng theo hình thức xen canh, thì ngay khi có thông tin được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đa số nhà vườn đã quyết định trồng chuyên canh cây sầu riêng để tìm cơ hội xuất khẩu với sản lượng lớn. Bên cạnh áp dụng tốt quy trình kỹ thuật mà nước nhập khẩu yêu cầu, một trong những điều kiện tiên quyết để sầu riêng có thể xuất khẩu là phải được cấp mã số vùng trồng, điều này đỏi hỏi vùng trồng phải có diện tích lớn. Chính vì vậy, nhà vườn trồng sầu riêng tại địa phương đã liên kết cùng nhau, hình thành nên Tổ hợp tác cây ăn trái Tài Lộc với quy mô diện tích là 26 ha. Thành viên tham gia Tổ hợp tác có sự thống nhất cao trong quá trình sản xuất, tuân thủ đầy đủ các khâu từ bón phân, cắt tỉa cành và quản lý sâu bệnh để trái đạt kích cỡ đồng đều và chất lượng ở mức tốt nhất. Giám đốc Tổ hợp tác cây ăn trái Tài Lộc, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách - Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Ở đây bà con đều đồng tình chuyển dần qua canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tuân thủ thời gian cách ly theo đúng quy định. Mình xài phân gì, xài vào thời điểm nào cũng ghi chép lại đầy đủ vào sổ nhật ký, hàng tháng khi họp tổ mình cùng đem ra phân tích xem như vậy là hợp lý chưa…”.

    Ngoài yêu cầu về giống là sầu riêng Ri 6 và Moothong, trái sầu riêng muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần đáp ứng 2 tiêu chuẩn quan trọng về trọng lượng trái và tỷ lệ hộc lép. Theo đó, trọng lượng trái đủ chuẩn xuất khẩu là phải đạt từ 2,8kg đến 5,5kg mỗi trái; tỷ lệ hộc lép được chấp nhận là dưới 2 hộc rưỡi. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra, thực hiện tỉa bông, tỉa trái, quản lý phân bón và phòng trừ sâu bệnh đúng cách... là những giải pháp kỹ thuật được nhiều nông dân chú trọng. Anh Võ Tấn Nhật - nông dân trồng sầu riêng ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách chia sẻ thêm: “Tỉa cho bông thưa bớt, nuôi bông mập lên, lớn tỉa thêm lần nữa. Chọn cho trái đạt chuẩn. Cứ tỉa thưa ra là được…”.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 1.257 ha sầu riêng được trồng dưới dạng chuyên canh, chiếm 4,42% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh.  Sầu riêng được trồng tập trung tại xã Xuân Hòa và xã Ba Trinh, huyện Kế Sách. Diện tích dù lớn, nhưng việc sản xuất rải vụ chưa được bà con quan tâm thực hiện, do đó vào mùa thu hoạch rộ sản lượng nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, đa số nông dân chưa tham gia vào tổ chức tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nên diện tích sản xuất cây sầu riêng còn manh mún, vẫn áp dụng biện pháp canh tác theo kinh nghiệm và tập quán trước đây nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

    Giờ đây, Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu qua con đường tiểu ngạch và thông qua đàm phán đã chấp thuận cho Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, đây là tín hiệu phấn khởi để giảm thiểu rủi ro cho nhà vườn và các doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội này, ngành nông nghiệp địa phương đã vận động nhà vườn tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn. Đồng thời, hướng dẫn nông dân các giải pháp kỹ thuật trong canh tác nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất và sản lượng sầu riêng gắn kết với chuỗi giá trị và liên kết tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu. Đồng chí Vũ Bá Quan – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, lấy hợp tác xã, tổ hợp tác xã là nòng cốt để triển khai. Theo đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác này phải cam kết sản xuất với sản lượng tương đối lớn, ổn định về mẫu mã, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như có truy xuất được nguồn gốc...”.

    Chuyển biến tích cực trong tư duy canh tác của nhà vườn là cơ sở quan trọng để vùng trồng sầu riêng của tỉnh Sóc Trăng từng bước hoàn thiện những hạn chế, thiếu sót đang tồn tại để có thể cạnh tranh cơ hội xuất khẩu với nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực. Ngoài áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để niên vụ sầu riêng 2023 - 2024 đạt hiệu quả sản xuất tốt nhất, về lâu dài, bà con trồng sầu riêng ở Kế Sách cũng đang tính đến chuyện rải vụ, sơ chế, chế biến để kéo dài hơn chuỗi giá trị của ngành hàng đầy tiềm năng.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 7197
  • Trong tuần: 77,904
  • Tất cả: 11,801,224